Chuyển động mới cho

giao thông Hà Nội

Xây nhiều cầu vượt nhẹ, Hà Nội sẽ trả giá

Rất có thể, sắp tới sẽ có cả chục cây cầu vượt giống nhau, được bố trí khắp Hà Nội, và nó sẽ là nguyên nhân phá vỡ cảnh quan, kiến trúc chung của thành phố.

>>Hà Nội sẽ có thêm 3 cầu vượt lắp ghép trong năm nay
>>TP.HCM bắt đầu xây dựng cầu vượt lắp ghép giống Hà Nội

Vừa thông xe 2 cầu vượt nhẹ nhận thấy có tác dụng giảm ùn tắc, lãnh đạo thành phố Hà Nội liên tiếp thúc các đơn vị liên quan khởi công một số cầu vượt nhẹ khác. Tuy nhiên, giải pháp này có thực sự là cứu cánh cho giao thông?

Hàng loạt cầu vượt nhẹ lắp ghép được đồng loạt xây dựng

Đầu năm 2012, sau khi triển khai hàng loạt các giải pháp chống ùn tắc giao thông: Đổi giờ làm, giờ học; phân làn phương tiện; cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố chính… nhưng tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô không có nhiều biến chuyển, Hà Nội đã tiến hành xây dựng các cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại một số ngã tư để chống ùn tắc tại chỗ.

Ngày 26/4 vừa qua, sau 3 tháng xây dựng, 2 cầu vượt nhẹ tại các ngã tư: Chùa Bộc – Thái Hà – Sơn Tây và Láng Hạ – Thái Hà- Huỳnh Thúc kháng đã chính thức được thông xe đưa vào sử dụng.

Sau khi 2 cây cầu được thông xe đã giúp giảm ùn tắc đáng kể tại các nút được xây cầu. Nhận thấy tác dụng của các cây cầu vượt nhẹ này, hơn một tuần sau đó, lãnh đạo UBND Hà Nội liên tiếp đề ra kế hoạch xây dựng hàng loạt các cây cầu vượt nhẹ khác tại các ngã tư thường xuyên ùn tắc.

Sau thành công của 2 cây cầu vượt đã thông xe, chiều 11/5, Hà Nội đã làm lễ khởi công cây cầu vượt nhẹ thứ 4 bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư: Láng Hạ – Lê Văn Lương. Cầu rộng 9 mét (2 làn ôtô, 2 làn xe máy) được thiết kế kết cấu nhịp dầm thép, kết hợp bê tông cốt thép. Tổng trọng lượng dầm thép của công trình lên đến trên 1.000 tấn. Dự kiến, cầu khánh thành ngày 10/10, đúng dịp kỷ niệm 58 năm giải phóng Thủ đô. Trước đó, ngày 8/5, một cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép lớn nhất Hà Nội tại nút giao đường Láng – Trần Duy Hưng cũng đã được chính thức khởi công.

Hình ảnh Xây nhiều cầu vượt nhẹ, Hà Nội sẽ trả giá? số 1

Cầu vượt nhẹ ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà – Sơn Tây vừa được thông xe

Tại cuộc họp giao ban với các sở ngành và đơn vị liên quan về các vấn đề giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô mới đây, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Hà Nội yêu câu các đơn vị liên quan sớm khởi công và hoàn thành trong năm nay thêm ba cầu vượt lắp ghép hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở GTVT cần đẩy nhanh tiến độ lập dự án, phấn đấu khởi công xây dựng vào cuối tháng 6/2012 một loạt cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai – Lê Thanh Nghị…

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu nghiên cứu phương án cầu vượt hai tầng tại nút giao Daewoo để giải quyết xung đột giao thông tại đây. Hiện, chưa rõ cầu vượt ở nút giao này sẽ được xây dựng theo kết cấu vĩnh cửu hay tạm. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu và báo cáo ngay trong tháng 5 để xem xét, quyết định.

Theo quy hoạch xây dựng từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ tại các nút: Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng, Bắc Thăng Thăng Long – Nam Đồng, Nguyễn Sơn – Nguyễn Văn Cừ và cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã – Liễu Giai, đường 69 – Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế – Phạm Văn Đồng…

Cầu vượt nhẹ sẽ là “cứu cánh” hay “đại hoạ” cho giao thông Thủ đô?

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, việc xây dựng cầu vượt nhẹ là giải pháp tình thế trong bối cảnh ùn tắc giao thông và kinh tế khó khăn hiện nay. Giải pháp này có hiệu quả nhất định, nhưng bộc lộ tồn tại rất rõ. Dù giá thành rẻ, song vẫn hạn chế cho xe đi lại, các xe tải trọng lớn không được đi trên cầu, vẫn gây xung đột với các luồng phương tiện ở bên dưới.

“Năm 2008 khi mở rộng Hà Nội, đáng lẽ phải đặt ngay vấn đề quy hoạch giao thông mới, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có quy hoạch giao thông nên phải giải quyết tình thế”, TS Nghiêm cho biết.

Tuy nhiên, TS Nghiêm cũng cho rằng, trong tương lai, nếu xây dựng đường trên cao, đường tàu điện trên cao thì có thể phải phá dỡ các cầu vượt, vì thế sẽ gây lãng phí. Giao thông là nội dung trong quy hoạch tổng thể không gian, phải cân nhắc giữa tầm nhìn dài hạn và trước mắt tại từng khu vực. Đừng có tư duy nhiệm kỳ, vì tầm nhìn trước mắt mà phá vỡ cảnh quan để thế hệ sau phải gánh chịu.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi chưa xây dựng được các cầu vĩnh cửu thì vẫn có thể xây cầu kết cấu thép, song song khai thác cầu là làm đúng quy hoạch giao thông. Trước khi xây dựng mỗi cầu vượt tạm thì chúng ta cần xác định thời gian sử dụng. Giải quyết tình thế chỉ ở mức độ nhất định chứ không thể dùng cái tình thế để thay thế cho cái lâu dài”, ông Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội nói.

Còn TS Hồ Tuấn Sỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng thì đặt nghi vấn, liệu Hà Nội có quá nóng vội khi dồn dập xây dựng thêm nhiều cầu vượt nhẹ khác?. Không những vậy, ông còn lo ngại, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ sẽ là một trong những nguy cơ phá vỡ kiến trúc của thành phố.

“Thực tế cho thấy, do được đầu tư quá gấp, 2 cây cầu vượt nhẹ vừa khánh thành chỉ mới mang lại cho người dân Thủ đô được cảm giác giải thoát nạn ùn tắc tại 2 nút giao này. Tuy nhiên, xét ở góc độ cảnh quan kiến trúc, sẽ là quá xấu nếu nhìn ở mọi góc độ tại 2 ngã tư này”, TS Sỹ cho biết.

Vị chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng này chỉ ra rằng, trước đây, Hà Nội cũng đã bố trí các cây cầu vượt tại các vị trí có đông người như trước cổng trường Đại học Giao thông vận tải, Đại học Quốc gia và Bệnh viện Bạch Mai…. Tuy nhiên, nếu quy hoạch thành phố Hà Nội chỉ rõ sau năm 2012 sẽ di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô, thì lúc đó các cây cầu vượt này có còn phù hợp?

Tương tự như vậy, qui hoạch giao thông Hà Nội hiện tại đáp ứng cho bao nhiêu dân số?. Sau 5-10 năm nữa, khi cơ cấu, quy hoạch giao thông được định hình lại, thì các cây cầu vượt nhẹ có phải tháo dỡ?.

TS Sỹ cho rằng, cảnh quan kiến trúc của 2 ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc và Láng – Huỳnh thúc Kháng là hoàn toàn khác nhau, nhưng 2 cầu vượt vừa được thông xe lại được thiết kế y chang nhau (chỉ khác nhau về tổng mức đầu tư, do yếu tố địa chất, xử lý kết cấu móng). Và rồi đây, nếu cứ “bổn cũ soạn lại”, liệu Hà Nội có một cầu vượt nào khác với nét kiến trúc riêng không?.

Rất có thể, sắp tới sẽ có cả chục cây cầu vượt giống nhau, được bố trí khắp Hà Nội, và nó sẽ là nguyên nhân phá vỡ cảnh quan, kiến trúc chung của thành phố.

“Việc xây bao nhiêu cây cầu vượt nhẹ, tại các nút giao nào cần phải được tính toán dựa trên bài toán quy hoạch giao thông tổng thể cho Thủ đô, chứ nhất quyết không thể thấy nút nào tắc, có đủ không gian là làm cầu vượt nhẹ. Không nên lặp lại bài học cũ, khi xây xong cầu vượt Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở… rồi đến khi có ý định xây đường vành đai 2, lại đau đầu xem có phải đập bỏ?”, Ts Sỹ nêu quan điểm.

Theo HMC admin