[VTV.vn] – Không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết ùn tắc, mạng lưới đường sắt đô thị còn được kỳ vọng sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân.
Thực tế, nhiều người chưa được trải nghiệm đi lại trong thành phố bằng hệ thống giao thông công cộng là các tuyến metro – đường sắt đô thị, vận chuyển được lượng khách lớn, nhiều lượt, nhiều chuyến trong ngày, với tốc độ cao hơn 100km/h.
Để xây dựng được một đường tuyến metro không đơn giản, phải mất từ 2 – 4 tỷ USD, tùy theo dài ngắn, đường hầm hay trên không, metro cỡ rộng hay cỡ thường. Tốn kém là thế, song để giải quyết được những vấn đề như ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường, phát triển Metro lại là xu thế tất yếu của tất cả các siêu đô thị trên thế giới, trong đó không loại trừ 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM.
Hiện TP.HCM có đến 10 triệu dân, còn dân số Hà Nội cũng tới hơn 7.500.000. Ùn tắc luôn là cụm từ được nhắc tới mỗi ngày ở 2 thành phố lớn này. Để đẩy lùi những vấn đề bức bối như ùn tắc, các dự án metro, là lựa chọn của nhiều nước trong việc giải quyết “bài toán” giao thông đô thị đang ngày càng nhức nhối.
TP.HCM và Hà Nội, sau nhiều năm thi công, các tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đang dần hình thành. Theo các chuyên gia giao thông, xu thế phát triển giao thông của các đô thị lớn có mật độ dân cư đông đúc và thường xuyên ùn tắc…đó là dần thay thế phương tiện cá nhân bằng phương tiện công cộng. Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị là lựa chọn phù hợp nhất hiện nay đối với 2 thành phố lớn này.
Không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết được ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… mà mạng lưới đường sắt đô thị còn được kỳ vọng sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân.
Trong tương lai, các tuyến metro sẽ phát triển dần thành tuyến vòng tròn khép kín như nhiều thành phố lớn trên thế giới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao trong nội thành cũng như các vùng phụ cận, nhất là trên các tuyến giao thông trọng yếu.