(HNM) – Ngày 31-3, Báo Hànộimới phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Bảo đảm ATGT, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị”. Hàng loạt vấn đề mà người dân quan tâm như bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, tiến độ dự án, cũng như việc chuẩn bị đưa các dự án đường sắt đô thị vào vận hành… đã được đề cập, làm rõ.
Phải thực hiện đầy đủ biện pháp bảo đảm an toàn
Phát biểu đề dẫn, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: Những năm gần đây, hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội là mối quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Bộ GT-VT, UBND TP Hà Nội cũng như toàn thể người dân. Việc nhanh chóng đưa hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) hiện đại vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng thay đổi cơ bản không chỉ điều kiện và tập quán tham gia giao thông mà còn chuyển dịch phương thức kinh doanh, sinh sống của bộ phận lớn dân cư, đồng thời tạo động lực mới cho phát triển KT-XH của Thủ đô. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác của Hà Nội đã xác định, trên địa bàn Thủ đô có 8 tuyến ĐSĐT. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, thành phố phấn đấu đến năm 2020 hoàn thiện và đưa vào sử dụng 2 tuyến Hà Đông – Cát Linh, Nhổn – Ga Hà Nội; triển khai tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; nghiên cứu, kêu gọi đầu tư các tuyến còn lại. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến ĐSĐT cũng chính là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Trong thời gian ngắn, đã có hàng trăm câu hỏi được bạn đọc gửi về cuộc tọa đàm, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề bảo đảm ATGT, an toàn lao động trên tuyến đường dự án triển khai. Cho rằng quá trình triển khai các dự án ĐSĐT bộc lộ không ít bất cập về an toàn lao động và trật tự ATGT, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó Trưởng phòng CSGT – Công an TP Hà Nội tổng kết: Trên tuyến Cát Linh – Hà Đông đã xảy ra 6 vụ tai nạn, trên tuyến Nhổn – Ga Hà Nội xảy ra 3 vụ. “Vẫn biết vừa thi công dự án vừa phải bảo đảm ATGT là việc khó, song qua trực tiếp kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện nhiều tồn tại chủ quan. Có trường hợp máy hàn lớn để ngoài mưa không che chắn, rất nguy hiểm cho người vận hành cũng như người tham gia giao thông; hàng rào vô cùng cẩu thả, dây điện buộc loằng ngoằng; các khối sắt làm hàng rào dễ lật… Sau đợt kiểm tra, chủ đầu tư, nhà thầu sửa chữa, rút kinh nghiệm. Song chúng tôi tiếp tục kiến nghị, bố trí rào chắn linh hoạt, ban ngày không thi công có thể thu rào, tạo điều kiện cho phương tiện đi lại, đồng thời phải có đầy đủ các biện pháp bảo đảm ATGT…” – Ông Tòng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội nhận định, từ tháng 7-2015, ATGT khu vực công trường ĐSĐT đã được cải thiện. Tuy nhiên, cá biệt vẫn tồn tại phương tiện giao thông đi vào công trường dù đã có cảnh báo. Thanh tra GT, CSGT đã nhiều lần xử phạt những trường hợp này. Cũng theo ông Tân, các tuyến đường có dự án ĐSĐT đều là tuyến trọng điểm, mật độ giao thông cao, vốn đã ùn tắc, thêm công trường thi công, ùn tắc là khó tránh khỏi. Vì vậy, chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan chức năng và cả người dân phải cùng chung tay giải quyết.
Tiến độ phải đi kèm với chất lượng
Ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: “Phần diện tích phải giải phóng mặt bằng dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông trên địa bàn quận là 37,8ha, liên quan đến 1.198 hộ, 22 tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đây là một khối lượng công việc rất lớn, chúng tôi phải tổ chức rất nhiều cuộc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận. Vì vậy, chúng tôi muốn các nhà thầu và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân”. Thực tế, nhiều điểm rất ít công nhân làm việc. Nếu cứ tiếp tục như hiện tại thì chắc chắn sẽ không thể hoàn thành trong năm 2016″.
“Sẽ nỗ lực tối đa để vừa đáp ứng yêu cầu tiến độ vừa hạn chế xuống mức thấp nhất ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân” là khẳng định của ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội (chủ đầu tư dự án ĐSĐT Nhổn – Ga Hà Nội). Ông Hoàng cho biết: “Để bảo đảm giao thông thuận lợi, cứ đổ xà mũ và gác dầm đến đâu là nhà thầu tháo rào đến đấy, trả lại mặt đường. Những ý kiến đóng góp của nhân dân đều được Ban tiếp thu và có biện pháp khắc phục kịp thời. Dù là thí điểm với nhiều phần việc lần đầu thực hiện tại Việt Nam nhưng chúng tôi khẳng định, tiến độ phải đi kèm cùng chất lượng, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của UBND TP và các đơn vị tư vấn, giám sát có uy tín”.
Khẳng định tầm quan trọng của các dự án ĐSĐT đối với sự phát triển của Thủ đô, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: “Bất kỳ đô thị nào cũng cần đa dạng hóa các loại hình giao thông công cộng. Trong đó, ĐSĐT đóng vai trò rất quan trọng và cũng rất phù hợp với tình hình KT-XH của Hà Nội. Chúng ta đã định hình 8 tuyến ĐSĐT và hiện đang triển khai hai tuyến Hà Đông – Cát Linh và Nhổn – Ga Hà Nội. Hệ thống giao thông này được thực hiện đồng bộ sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông đáng kể. Hoàn tất các tuyến số 3, 4, 5 thì đến năm 2020, các công trình sẽ mang lại những nét mới, hiện đại cho hệ thống giao thông của Thủ đô”.
Ông Trần Anh Tú, Phó TGĐ Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội chia sẻ về sự chuẩn bị cho thụ hưởng dự án tuyến Cát Linh – Hà Đông: “Tháng 6/2015, Công ty được thành lập với chức năng quản lý và vận hành, khai thác toàn bộ các tuyến đường sắt trên địa bàn Thành phố. Để chuẩn bị thụ hưởng cho tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành thí điểm vào cuối năm 2016, Công ty đang đào tạo nhân sự cho việc vận hành với tổng số là 681 người. Việc đào tạo theo hai hình thức cả trong và ngoài nước.
Nếu người dân mong một thì chúng tôi mong gấp 3 lần việc tàu chạy. Với nhiệm vụ được TP giao xây dựng tiêu chuẩn cho đường sắt đô thị, chúng tôi đang phối hợp với Ban quản lý Bộ GTVT, Sở GTVT xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đường sắt đô thị.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng cuốn sổ tay tuyên truyền về giao thông đường sắt với 4 nội dung, đứng trên góc độ của người dân để trả lời những câu hỏi về hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội. Đó là những nội dung quan trọng về 8 tuyến đường sắt giúp hình thành mạng lưới vận tải hành khách hoàn thiện cho thủ đô, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, về nếp sống văn minh và cách sử dụng an toàn các tuyến đường sắt.
Vận tải hành khách công cộng phát triển, đi vào vận hành sẽ giúp hạn chế các phương tiện cá nhân. Đây là giải pháp bền vững, lâu dài, giúp giải quyết các vấn nạn về giao thông trên địa bàn thủ đô.”